NHÂN ĐẠO TRONG QUY TRÌNH GIẾT MỔ
Luộc tôm cua dường như là việc làm quá đỗi quen thuộc của chúng ta hằng ngày, đặc biệt là tại các nhà hàng, quán ăn. Nhưng bạn có biết rằng, liệu tôm cua có thấy “đau” khi oằn mình trong nồi hấp mấy trăm độ C? Và chúng đã trải qua những phút giây “kinh hoàng” như thế nào trước khi “lên dĩa”?
Gần đây, một báo cáo mới của Anh đã ghi nhận bạch tuộc, cua và tôm hùm cũng có tri giác, do đó có thể cảm nhận được nỗi đau. Đây là những loài vật mới nhất được thêm vào danh sách sinh vật có tri giác của Anh. Như vậy thả một con tôm sống vào nồi lẩu ở Anh sẽ trở thành một hành động phạm pháp, nếu tới đây Dự luật Phúc lợi Động vật mới của họ được nghị viện biểu quyết thông qua.
Theo đó, các chuyên gia đã xem 300 bài nghiên cứu khoa học để đánh giá các bằng chứng về tri giác ở các loài vật. Họ kết luận rằng động vật chân đầu (bạch tuộc, mực) và giáp xác mười chân (tôm, cua) phải được đối xử như các sinh vật có tri giác. Các chuyên gia đã sử dụng 8 tiêu chuẩn khác nhau để đo lường tri giác của các loài động vật trên, bao gồm: khả năng học tập, số thụ thể cảm nhận cơn đau, kết nối giữa các thụ thể này và một số vùng não nhất định, phản ứng với thuốc gây mê hoặc thuốc giảm đau, cùng các hành vi thể hiện tri giác khác. Các nhà khoa học đã phát hiện bằng chứng cho thấy bộ bạch tuộc có tri giác "rất mạnh" và hầu hết các loài cua có tri giác "mạnh". Đối với các động vật khác trong nhóm này như mực, mực nang và tôm hùm, bằng chứng cho thấy chúng có tri giác đáng kể nhưng không mạnh mẽ.
Loài giáp xác cũng có tri giác
Được biết, Thụy Sĩ là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp đặt lệnh cấm chế biến động vật giáp xác còn sống vào năm 2018. Na Uy, New Zealand, Áo và Úc cũng đã áp đặt quy định tương tự. Bị luộc khi đang còn sống và chịu đựng nỗi đau đớn tột cùng trước khi chết có lẽ là cái kết hãi hùng với bất kỳ loài sinh vật nào, nhưng suốt hàng thế kỷ qua, con người vẫn luộc sống cua, tôm hùm, bạch tuộc vì cho rằng chúng không hề cảm thấy đau. Nhưng khi khoa học phát triển, sự thật đang dần hé mở cho thấy, chúng cũng trải qua những phút đau đớn trước khi bị luộc chín.
Dẫu biết rằng chính tôi hay các bạn chưa thể tiến đến ăn thuần chay, tôi và các bạn vẫn đang sử dụng thức ăn có nguồn gốc từ động vật, nhưng ít nhất bằng cách nào đó, hãy cố gắng giảm thiểu nỗi đau của con vật trong khả năng của mình. Hãy gieo hạt giống thiện lương từ tận đáy tâm hồn, để đôi tay bạn biết yêu thương và nhân đạo với động vật hơn.
Diệu Châu.
Nguồn: tuoitre.vn
Tuyên truyền
Bài viết khác